Với tầm nhìn trở thành “Thành phố môi trường”, nên với Đà Nẵng vấn đề môi trường đặt ra không chỉ là một phần trong quá trình phát triển mà còn đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.

Để đạt được điều đó, thành phố đã tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể mang tầm chiến lược mà trong đó, nội dung môi trường phải được đặc biệt quan tâm. Tại kỳ họp HĐND lần thứ VII diễn ra vào cuối năm 2010, tất cả những vấn đề nóng, bức xúc về môi trường đều được đưa vào Nghị quyết HĐND, tạo điều kiện cho việc tiến hành thực hiện một cách nghiêm túc. Chính vì lẽ đó, ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2011, TP đã không ngừng triển khai xử lý ngay các điểm nóng về môi trường, quyết tâm hướng đến xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường, kiên quyết xử lý nhiều trường hợp vi phạm giúp người dân hưởng thụ một môi trường sống an toàn.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường (TN-MT), cùng với sự phát triển nhanh, mạnh của thành phố, nhiều điểm đen về vấn đề môi trường bắt đầu manh nha, nhức nhối trong cộng đồng dân cư, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị như: âu thuyền Thọ Quang, bãi rác Khánh Sơn, các khu công nghiệp, các nhà máy thép... Tuy nhiên, bằng những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền, các điểm đen trên trở nên “xanh” hơn trong mắt người dân Đà thành. Cách đây vài tháng, khi người dân bức xúc với mùi tanh hôi nồng nặc từ âu thuyền Thọ Quang thì đến thời điểm này, khi lưu thông trên tuyến đường gần khu vực âu thuyền đã không còn ngửi thấy mùi khó chịu trên. UBND TP đã chỉ đạo Sở TN-MT phải nhanh chóng có những biện pháp xử lý dứt điểm, không để người dân tiếp tục phải chịu đựng sống trong điều kiện ô nhiễm, hôi thối nữa.

Theo Sở TN-MT TP cho biết, hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã hoàn thành, 12/12 cơ sở có nước thải sản xuất được đấu nối vào hệ thống. Lượng nước thải được thu gom và xử lý trung bình 1.000 – 2.000m3/ngày đêm. Cũng tại đây, UBND TP đã chỉ đạo phun chế phẩm enchoice tại các vị trí phát tán mùi hôi lớn như cửa cống xả, cầu cảng… Đồng thời, phía địa phương đã tiến hành bơm bùn thải tích tụ lâu ngày trong khu vực âu thuyền nhằm tránh tình trạng lưu cữu gây mùi khó chịu cho người dân địa phương với lượng bùn hút được đến nay là 27.000m3. Qua kiểm tra sau khâu xử lý, đến nay tình hình ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang đã được cải thiện thấy rõ. Chất lượng nước trong âu thuyền ở mức cho phép, mùi hôi thối do nước tồn đọng, do hải sản không qua xử lý đã giảm hẳn, người dân trong khu vực hết sức vui mừng, phấn khởi, vì được ăn Tết trong không khí an lành, không ô nhiễm.



Âu thuyền Thọ Quang đã được xử lý khử mùi

Tương tự âu thuyền Thọ Quang, bãi rác Khánh Sơn cũng được TP đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ bãi rác với công suất 1.000m3/ngày đêm. Hệ thống vận hành tốt đã giảm thiểu hầu như hoàn toàn lượng nước rỉ thải gây ô nhiễm môi trường quanh khu vực Khánh Sơn. Ông Đỗ Văn Nhu- nhà ở gần bãi rác Khánh Sơn bày tỏ: những động thái trong thời gian qua của các cấp ngành là rất thiết thực, tuy nhiên thời gian tới thành phố cần có thêm nhiều biện pháp tích cực hơn để khống chế bớt mùi hôi ở khu vực này.

Tại trạm nước thải Hòa Cường, TP đã tiến hành phun chế phẩm EM tại các cống hở với tần suất 2 – 3 lần/ ngày đêm. Đồng thời, trạm cũng xử lý trung bình 30.000m3/ngày bằng công nghệ hoạt hóa và chế phẩm sinh học LTH79.

Đối với việc xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp cũng được chính quyền Đà Nẵng quan tâm sát sao nhằm đảm bảo lượng chất thải không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trong đó, 61/72 doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh; 8/15 cơ sở tại KCN Liên Chiểu được đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh những nỗ lực trong vấn đề xử lý ô nhiễm, Sở TN-MT đã linh động phối hợp với Cảnh sát Môi trường thành lập Đội Kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh những trường hợp vi phạm, đình chỉ Nhà máy giấy Sức Trẻ, phạt hành chính 225 triệu đồng, cảnh cáo nhiều đơn vị vi phạm khác. Đây là lời cảnh báo, răn đe đối với sự thờ ơ của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Nguyễn Điểu, trong thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng vẫn là xử lý dứt điểm và triệt để các điểm nóng về môi trường trên địa bàn TP, từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Theo đó, Đà Nẵng sẽ tăng cường kiểm soát nước thải trên địa bàn, đảm bảo 100% cụm, KCN đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn với hơn 70% doanh nghiệp phải đấu nối vào hệ thống xả thải đó….

Có thể nói, Đà Nẵng phấn đấu trở thành “Thành phố môi trường” là một hướng đi phù hợp với xu thế tất yếu môi trường, đưa hệ sinh thái tự nhiên vào đô thị, tạo nên sự cân bằng giữa các hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái đô thị... Tuy nhiên, để hướng đến một đô thị năng động, phát triển tương đương một số đô thị lớn trong khu vực, Đà Nẵng cần phải đưa ra các chiến lược phát triển cụ thể, mang tầm vĩ mô và hướng đến tầm nhìn xa hơn nữa, và các ngành, các cấp phải chung tay nỗ lực nhiều hơn nữa mới đạt được những kết quả như mong muốn.

Theo 24h